Tổng đài hỗ trợ miễn phí 0914 50 86 50
Vietnamese English Đăng nhập Đăng ký

Những món đặc sản Tết của người miền Tây

Được bồi đắp bởi sông Mê Kông với 9 nhánh sông đổ ra biển nên khu vực này đặc biệt rất nhiều tôm cá, từ đó mà vào các dịp Tết Nguyên Đán người miền Tây chuẩn bị rất nhiều món ăn khác nhau chứ không chỉ là thịt kho hột vịt đâu! Dưới đây là những món đặc sản nổi tiếng ở miền Tây, ai đã ăn qua một lần thì sẽ không thể nào quên được, hãy cùng khám phá xem nhé!

Tham khảo chương trình Tour Tết 2017: Tour du lịch miền Tây 3 ngày 3 đêm (Cà Mau - Cần Thơ) với mức giá siêu hấp dẫn.

1. Khô cá lóc:

Khô cá lóc đồng được làm từ Cá lóc tẩm gia vị của vùng Miền Tây như: Muối, bột ngọt, tiêu, tẩm màu cá khô bằng ớt trái lớn (ớt bỏ hột giả lấy nước), ướp cá khoảng 30 phút. Sau đó đem phơi với nắng gắt 3 đến 4 ngày. Cá sau khi khô được phân chia bịch 1kg và được bảo quản ngăn tủ mát. Do đó dù để lâu vẫn giữ được mùi vị thơm ngon của khô cá lóc.

Món khô cá lóc này có thể chế biến thành rất rất nhiều loại món ăn khác nhau:

  • Nướng lên như các loại khô khác. Khi nướng, khô cá lóc sẽ dậy mùi thơm phức, màu đỏ vàng cực bắt mắt. Khô được đập mềm, tơi, rồi xé nhỏ, dùng món này nhắm với một chút bia, hoặc đem đi trộn gỏi là tuyệt vời!
  • Đem đi kho thơm (dứa) cũng ngon không kém
  • Chiên cũng là một cách chế biến
  • Nấu canh chua tạo nên hương vị khác biệt
  • Hấp gừng, một cách chế biến "lạ mà ngon"

2. Cá hấp đọt Bầu, Mướp:

Có lẽ miền Tây là nơi chế biến được rất nhiều món ăn từ cá. Trong đó, món cá hấp với đọt bầu (hoặc đọt bí, mướp) là một trong những món ăn cực kỳ nức danh từ xưa nay. Hương vị của những loại đọt non này khi hấp sẽ thấm vào cá, làm thịt cá thanh ngọt không thể nào cưỡng lại được!

Các loại cá dùng để làm món này là các loại cá phổ biến ở miền Tây Nam Bộ như:

  • Cá lóc
  • Cá tra
  • Cá tai tượng

Để món ăn ngon hơn, con cá được dùng để chế biến phải là cá đồng tươi sống vừa được đánh bắt. Trước khi chế biến, cá sẽ được ngâm với giấm để hết nhớt, không đánh vảy cá mà chỉ mổ bụng để lấy ruột cá ra (đối với cá lóc thì không cần phải mổ bụng). Những loại lá để hấp chung là những lá non hoặc là phần ngọn, nếu co hoa mướp hoặc mướp non thì hấp cá ngon tuyệt, vừa thanh vừa ngọt.

Món này cũng không khó để thực hiện. Xếp các loại rau xung quanh rồi đặt cá lên trên và để sôi với lửa liu riu. Khi thấy cá đã chín (biểu hiện là da cá nhăn nhíu lại) thì cho ra dĩa, bày cá dài ra là có thể ăn được rồi.

Để ăn kèm, người ta thường dùng bánh tráng cuốn tép luộc cùng với khế xanh, chuối chát, thêm chút rau thơm, xà lách và bún cùng tai heo luộc ! Bạn có thể chấm với nước mắm me hoặc chút nước mắm nhỉ dầm với ớt cay đều rất ngon. 

3. Cá Chạch nướng:

Là một loài cá phổ biến ở Miền Tây, cá thường sống ở sông, ao, đầm lầy… cá chạch có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, thịt cá ít mỡ nhưng hàm lượng đạm cao và đa dạng hơn những loài cá khác. Y học Đông Tây đều chứng nhận cá chạch là món ăn trị tiểu đường cực kỳ hiệu quả.

Cá chạch được bắt lên, rửa sạch với nước phèn chua, rồi sắp lên dĩa. Tán nhuyễn cơm mẻ ra, cho thêm chút muối, đường và bột ngọt cho dịu bớt vị chua; ớt băm cho nhỏ rồi trộn vào cho vừa ăn là được.

Sau đó chuẩn bị một bếp than hồng đỏ rực để nướng cá. Sắp cá chạch lên vĩ nướng, khi ngửi thấy mùi thơm, da cá nhăn dúm lại, bong ra là cá đã chín, có thể chấm cơm mẻ ăn được. Ăn cá chạch nướng được dùng chung với rau sống chấm cơm mẻ.

Mùi cá nướng thơm phức, vị beo béo của thịt cá cùng với vị chua chua ngọt ngọt, mằn mặn, cay cay của cơm mẻ. Món này cũng ăn kèm với bánh tráng và các loại rau sống, rau dại như: đọt cóc, ngò gai, chuối chát, khế chua, mù ôm,... nhưng có thêm cơm mẻ hoặc bún. Bày ra dĩa, vừa ăn vừa tâm tình, vừa nâng vài cốc rượu đế ngon thì chả có gì tuyệt hơn.

4. Lươn ruồng sả:

Lươn - một món thủy sản mà người dân xem như một loài thuỷ sâm là một thức ăn cực kỳ bổ dưỡng, tuy có nhiều cách chế biến khách nhau nhưng ruồng sả vẫn là cách chế biến được nhiều người yêu thích.

Con lươn thì thường trơn tuột, khó bắt. Người dân đã nghĩ ra rất nhiều cách để bắt lươn nhưng thông dụng nhất vẫn là dùng ống trúm, và bắt thế nào thì giống như là một nghệ thuật vậy!

Thịt lươn tươi

Lươn ruồng sả là một trong các món ngon độc đáo trong ngày tết nguyên đán Miền Tây, đặc biệt là món này được ăn kèm với nước mắm cốt dừa nữa thì không còn gì để chê.

Dùng lươn cỡ ngón chân cái, rộng vài ba bữa cho lươn nhả sạch chất bẩn trong bụng. Để nguyên con, không cần làm sạch nhớt, không cần mổ bụng cho vô nồi đã đặt sẵn lá sả tươi cùng cọng sả tươi đập giập. Đậy kín nắp vung, cho nồi lên bếp lửa, lửa nóng khiến lươn ngọ nguậy tìm đường thoát, vậy là lươn ruồng trong đám lá sả và gốc sả.

Sức nóng của bếp lò khiến da lươn bị nứt, rách và dần dần tự thấm mùi sả vào thịt lươn. Cùng lúc máu lươn tươm ra khi ruồng cũng thấm vào thịt lươn, thơm thơm mùi sả dễ chịu. Khi nồi lươn ruồng sả tỏa mùi thơm cũng là lúc món ăn đã hoàn tất. Lấy dĩa bàn sắp gốc sả đập giập và rau răm rồi gắp lươn đặt lên trên.

Món này chấm với nước mắm nước cốt dừa, ăn kèm rau thơm, khế, chuối chát,... tất cả tạo nên hương vị cực kỳ khó quên cho thực khách.

Ngoài những món trên, ẩm thực miền Tây còn rất nhiều món ăn ngon khác, mời các bạn đón đọc trong các bài viết tiếp theo trong mục Cẩm nang du lịch của VNTOUR nhé!

Có thể bạn sẽ thích

Scroll hotline hotline