Tổng đài hỗ trợ miễn phí 0914 50 86 50 Vietnamese English Đăng nhập Đăng ký

Ấn Tượng Lễ Té Nước Thái Lan - Kinh Nghiệm Du Lịch

Ấn Tượng Lễ Té Nước Thái Lan - Kinh Nghiệm Du Lịch

Du lịch Thái Lan mùa lễ hội luôn nhộn nhịp cùng với các hoạt động vui chơi và sự đông đảo của du khách đến tham gia. Tết Thái Lan hay còn biết đến là lễ hội té nước Thái Lan. Đây là một nghi lễ chào đón năm mới mang nhiều ý nghĩa sâu sắc và diễn ra thường niên. Người dân nơi đây còn gọi ngày tết Thái Lan là ngày lễ Songkran. 

 

Tết Thái

Chính vì sự độc đáo trong nghi lễ là mọi người sẽ té nước lên nhau nên lễ hội té nước Thái Lan đã đông đảo thu hút du khách các quốc gia khác đến tham gia đông đảo. Lễ hội sẽ diễn ra rất lớn nếu lượng người tham gia vào năm đó cao và phát huy được tính cộng đồng trong xã hội. 

Vậy Lễ Té Nước tại Thái Lan thường diễn ra vào ngày nào, ở đâu và sẵn sàng điều gì để cùng trải nghiệm tham gia mùa tết Thái Lan? Khám phá cùng VNTOUR qua bài viết này nhé. 

Sơ lược về Tết Thái Lan 

Tết Thái Lan hay còn được biết đến là lễ hội té nước Thái Lan, lễ hội Songkran. Theo như lịch của người Thái, khi Mặt Trời di chuyển từ sao cung hoàng đạo Song Ngư sang sao cung hoàng đạo Bạch Dương thì là thời khắc bước sang năm mới. Vậy nên tháng 4 là thời điểm cả đất nước Chùa Vàng này chìm trong sự nhộn nhịp, rộn rã của một mùa lễ hội lớn nhất năm sắp đến. 

Cái tên Songkran có nghĩa là sự chuyển giao trong tiếng Phạn xưa, ý là một thời khắc mới, một mùa mới, những điều mới mẻ đang đến. Cũng giống như dịp Tết Nguyên Đán của Việt Nam, những ngày cận tết, người dân Thái Lan cũng sẽ lau dọn nhà cửa, mua sắm trang trí lại cho ngôi nhà. Những nhà theo đạo Phật sẽ dọn dẹp và trang trí lại cho bàn thờ, người ở xa thì về đoàn tụ với gia đình. Tất cả đều quây quần cùng nhau để chào đón một thời khắc thiêng liêng của đất trời, của đất nước. 

 

Tết Thái

 

Tết Thái Lan sẽ diễn ra vào ngày 13 đến ngày 15 tháng 4 dương lịch thường niên. Vậy nên nếu bạn vẫn chưa có kế hoạch du lịch vào tháng 4 hay đã có nhưng vẫn còn chưa lựa chọn được địa điểm thì mùa lễ hội Thái Lan chắc chắn sẽ cho bạn những trải nghiệm đáng nhớ đấy.  

Tết Thái Lan diễn ra với nhiều nghi lễ nhưng lễ hội té nước là hoạt động được cả người dân và du khách rất mong đợi. Nếu bạn đã xem qua hay trải nghiệm qua lễ hội té nước Thingyan của người Myanmar, lễ chol Chnam Thmay của người Campuchia (một một phận người Cam ở Việt Nam) thì sẽ thấy nét tương đồng tại lễ Songkran. Tuy nhiên mỗi lễ hội sẽ mang những giá trị và nghi thức khác nhau. Mọi người ra sức tạt nước lên đôi phương hoặc tạt nước lên nhau. Đây là thời điểm tất cả cùng vui chơi và náo nhiệt lễ hội. 

Nguồn gốc của Tết Thái Lan

Tết Thái Lan (lễ hội Songkran) có nguồn gốc từ ngày sinh của Đức Phật. Thái Lan vốn là xứ sở của các ngôi chùa Vàng với số lượng người dân theo đạo cùng tín ngưỡng rất lớn nên người Thái họ có những niềm tin rất lớn đối với những ngày này. Dân số theo đạo Phật ở Thái Lan rơi vào khoảng 95%. Cũng chính vì vậy mà lúc mặt trời di chuyển giữa các chòm sao trong cung hoàng đạo cũng là lúc một năm mới bắt đầu. 

Ngày xưa, lễ hội được khơi nguồn từ lễ hội mùa xuân của người Hindu giáo. Hình thức giống như một sự đánh dấu mùa thu hoạch và cầu bình an, bội thu cho mùa vụ mới của người Ấn Độ cổ đại. Điều này có thể thấy khu vực Đông Nam Á vẫn có những quốc gia tổ chức lễ hội chào năm mới tương tự như lễ hội này nhưng Thái Lan lại truyền bá và có những nét đặc biệt. Điều này đã thu hút đông đảo du khách quan tâm và tham gia. 

Tết Thái Lan chính là tết cổ truyền của người Thái. Lễ hội này đã được tổ chức từ năm 1941 cho đến hiện tại và sẽ có sự phát triển cho sau này. Song song với những hoạt động náo nhiệt thì tết Thái Lan cũng mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, tôn giáo rất lớn đối với quốc gia này. 

Ý nghĩa của Tết Thái Lan

Tết Thái Lan là tết cổ truyền của người Thái, cũng có những nét tương đồng của những ngày tết cổ truyền của các quốc gia trên thế giới. Vậy nên điều có ý nghĩa nhất trong những dịp tết như này là sự trở về và quây quần cùng gia đình, sự đoàn tụ và sum họp. Những đứa trẻ sẽ chúc tết ông bà cha mẹ, thể hiện lòng tôn kính và quý trọng đối với các bậc tiền bối trong gia đình. Mọi người đều cầu chúc cho nhau những điều tốt lành nhất sẽ đến trong một năm mới. 

Tiếp theo đó, vì người dân Thái Lan theo đạo Phật và có tín ngưỡng rất lớn nên sẽ có một nghi lễ là tắm Phật. Hình thức lễ diễn ra là một vị sư chùa sẽ dùng gáo múc nước nhỏ và xối nước từ trên xuống dưới của tượng Phật của gia đình. Khi hành lễ, người nhà sẽ mang theo trái cây, món ăn chay và một vài lòng thành kính của mình để cúng dường cho chùa, cho vị sư đó. Ngoài ra, có nhiều gia đình cũng phóng sinh trong lúc này với mong muốn cứu giúp chúng sanh, phát thiện đến đời sống mọi người. 

 

Tết Thái

Sau khi đã cúng dường cho chùa và cho sư, những người nhỏ tuổi sẽ chúc phúc chúc thọ cho ông bà, cha mẹ đi cùng. Phần nghi lễ lấy nước thơm phun lên người nhau với ý nghĩa chúc phúc được xem như là một phần lễ cũng là phần hội của người Thái Lan. Nước phun lên với những sự may mắn, chúc phúc mang đến nhau trong ngày đầu năm hân hoan. 

Sau cùng sẽ là thời gian diễn ra của lễ hội té nước. Sự kiện này mang tính cộng đồng rất cao trong ngày lễ tết Thái Lan. Có thể thấy tết Thái Lan bao gồm rất nhiều nghi lễ, các phần hội mà mỗi cái đều mang những giá trị khác nhau. Nếu những nghi thức trên với ý nghĩa sum họp của những người trong gia đình thì lễ hội té nước là tính cộng đồng, sự náo nhiệt của một mùa lễ hội quốc gia. 

Mỗi người sẽ lấy một bát nước đổ lên những người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm và đó chính là một thông điệp chúc mừng năm mới may mắn. Đây còn là một sự rửa tội, rửa đi những điều không tốt và tiêu cực.  Về sau, khi lễ hội phát triển hơn thì té nước được dùng đến thùng, ống nước, thau nước hay cả súng nước. Ngoại trừ trẻ em, nhà sư hay những người đang tham gia giao thông thì tất cả sẽ là những người bạn bè náo nhiệt trong lễ hội này. 

Tết Thái

Thái Lan còn có quan niệm rằng, nếu người nào bị ướt nhiều nhất, bị té nước nặng nhất thì đó chính là khởi đầu cho năm mới bình an, may mắn luôn hiện hữu. Bên cạnh đó đây cũng là thời gian tại Thái Lan diễn ra khá nhiều cuộc diễu hành, các cuộc thi hóa trang, thi hoa hậu sắc đẹp… để tăng sự kịch tính, náo nhiệt cho phần hội. 

Các nghi thức của Tết Thái Lan

Tết Thái Lan hay lễ hội Songkran hay lễ hội té nước Thái Lan sẽ bao gồm các nghi thức sau:

  • Ngày Wan Sungkharn Long (13 tháng 4) là ngày dọn dẹp nhà cửa, trang trí bàn thờ Phật. Gói ghém trong ý nghĩa rũ bỏ đi những điều cũ kỹ vào chuẩn bị một tinh thần sạch để đón những điều mới mẻ, tươi tốt.
  • Ngày Wan Nao ( 14 tháng 4) là ngày chuẩn bị thức ăn trong dịp lễ tết và quan trọng nhất là lễ vật để đặt lên bàn thờ Phật, cúng dường cho chùa và sư trong lễ tắm Phật. Những thành viên nhỏ nhất trong gia đình chuẩn bị các loại nước thơm như nước hoa hồng, nước hoa nhài, nước thơm Nam Op để rửa chân cho cha mẹ, ông bà. 
  • Ngày Wan Payawan (15 tháng 4) đây là thời điểm diễn ra lễ hội té nước Thái Lan. Tuy nhiên, trước đó, khi bắt đầu một ngày mới, mọi người sẽ đến thăm các ngôi chùa ở trong khu vực mình sinh sống để cúng dường và tặng quần áo cho các nhà sư. Bên cạnh đó, các vòng hoa cũng được bày bán khá nhiều lúc này để mọi người mua và tặng cho người lớn. 

Tham gia Tết Thái Lan ở những địa điểm nào?

Tết Thái Lan diễn ra sôi nổi ở khắp các thành phố mọi miền của xứ sở chùa Vàng này. Tuy nhiên, các thành phố lớn luôn là địa điểm sôi nổi cùng nhiều lễ hội đi kèm hoặc các cuộc thi. Vậy nên nếu bạn đã lên kế hoạch cho chuyến đi du lịch Thái Lan vào tháng 4 này thì chắc chắn không thể không ghé đến 1 trong 4 thành phố sau để tham gia lễ hội té nước Thái Lan tưng bừng náo nhiệt nhé. 

Tết Thái Lan ở thủ đô Bangkok

Bangkok là thủ đô của Thái Lan, một thành phố bậc nhất và sầm uất nhất của quốc gia này. Đây cũng là địa điểm trung tâm, cầu nối của nhiều cuộc thi và lễ hội diễn ra vào thời gian này. Chắc chắn bạn sẽ được oanh tạc và quẩy hết mình tại lễ hội té nước tại thủ đô này. 

Bên cạnh đó thì lễ hội té nước ở Bangkok cũng sẽ có phần khác biệt hơn tại các thành phố hoặc tỉnh thành khác. Những con phố lớn hay khu quảng trường sẽ sầm uất người tham gia. Dòng người đông kẹt cứng cùng nước bắn tung tóe vào người sẽ cho bạn cảm giác như đang chìm dần vào lễ hội náo nhiệt và thật sự lúc này ai xung quanh cũng chính là bạn bè, là cầu nối vui chơi. 

Tết Thái

Té nước tại Bangkok sẽ không bao giờ là để bạn phải ở ngoài vòng cuộc chơi cả. Dù là biết hay không biết thì người dân địa phương cùng du khách bốn châu sẽ là bạn bè và chung vui. Bạn có thể ghé vào khu vực xung quanh của Banglamphu, đường Phra Athit, Santichaiprakarn, các khu phố tây như Khaosan… Những địa điểm này hứa hẹn một buổi vui chơi lễ hội té nước Thái Lan bùng nổ nhất.

Xem thêm: Tour Bangkok - Pataya ngày lễ té nước

Tết Thái Lan ở Chiang Mai

Chiang Mai là một thành phố du lịch bậc nhất của Thái Lan, không kém xa gì thủ đô Bangkok cả. Đây cũng chính là địa điểm thu hút du lịch tâm linh, đền đài tại Thái Lan - xứ sở chùa Vàng. Chính vì vậy mà các lễ hội truyền thống diễn ra ở Chiang Mai luôn có phần nổi trội và rộn ràng hơn hẳn. 

Những người dân địa phương bảo rằng bạn nên ghé Chiang Mai vào ngày 12 tháng 3, tức là trước ngày bắt đầu lễ tết một ngày để cùng mọi người chuẩn bị và thưởng thức cái nhộn nhịp trước Tết. Nhưng không thể phản biện lại rằng ngay cả tết cổ truyền ở Việt Nam cũng vậy, những ngày trước tết luôn được xem là những ngày vui nhất, ý nghĩa nhất. 

Chiang Mai là một thành phố của các ngôi chùa Vàng hay ngôi đền cổ xưa. Chính vì vậy mà bạn còn có thể trải nghiệm xem nghi lễ rước tượng Phật diễu hành quanh thành phố. Lộ trình diễu hành thường là qua cầu Nawarat, đến cổng thành Thapae, đi đến các ngả đường và điểm dừng chân tại chùa Wat Phra Singh. 

Lễ hội diễn ra ở Chiang Mai sẽ có nét truyền thống hơn hẳn. Một phần vì đây là xứ sở của các ngôi chùa cổ. Chính vì vậy mà bạn có thể té nước lên những người lớn tuổi ở đây. Tuy nhiên nhớ phải nhẹ tay và có sự tôn kính nhé. Thường loại nước dùng để té lên người những vị lớn tuổi sẽ là nước hoa nhài. Bên cạnh đó, đường phố sẽ ngập tràn ẩm thực đặc trưng Thái Lan cho du khách có thể trải nghiệm và thưởng thức đấy. 

Xem thêm: Tour Chiang Mai vào dịp tết Thái

Tết Thái Lan ở Phuket

Tết Thái Lan diễn ra ở đảo Phuket sẽ có phần náo nhiệt với các buổi tiệc tùng, lễ hội sắc đẹp, hóa trang và những nét hiện đại hơn. Phuket vốn luôn sôi nổi với các buổi tiệc sang chảnh của khách du lịch, con đường luôn sôi động và tràn đầy sự sống mạnh mẽ, nhiệt huyết. 

 

Songkran tại Phuket

Bạn có thể đến các con đường ven biển như Soi Bangla, Patong… để thưởng thức những màn nhảy múa dọc khắp các con đường vô cùng xinh đẹp và nhộn nhịp. Lễ rước Phật cũng được diễn ra ở dọc bãi biển Patong và đây chắc chắn là điểm đến thú vị trong mùa lễ hội này. 

Như vậy vào ngày này không chỉ có bangkok nhộn nhịp mà tour du lịch Phuket cũng rất đông khách và náo nhiệt.

Tết Thái Lan ở Pattaya

Điều đặc biệt của tết Thái Lan ở Pattaya là lễ hội té nước sẽ được tổ chức khá dài, từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 4. Tính về thời gian là có sự muộn nhất đối với các thành phố nhưng điều này đã tạo cơ hội cho nhiều du khách có những trải nghiệm trong mùa lễ hội ở nơi đây. 

Pattaya là một thành phố thuộc tỉnh Chonburi, là vùng đất của cây lúa. Chính vì vậy mà thay vì như thành phố của các ngôi chùa cổ Chiang Mai thì Pattaya sẽ có nghi thức cầu mùa màng, bội thu trước. Sau đó thì hoạt động chúc tết, lễ hội vui chơi ngày tết đặc biệt là lễ hội té nước mới diễn ra sau cùng. Bên cạnh đó thì đây cũng là địa điểm diễn ra các cuộc diễu hành và cuộc thi nhan sắc, tài năng tranh tài như Hoa hậu Songkran.

Tết Thái Lan ở Hua Hin

Từ nãy giờ chúng ta đã chơi tết Thái Lan ở phía Bắc và hòn đảo ngọc của Thái Lan. Cuộc dạo chơi đến Hua Hin Thái Lan sẽ ở miền Nam của đất nước này. Lễ hội tết Thái Lan diễn ra ở Hua Hin sẽ theo nghi thức đám rước mừng ngày hội Songkran trên tuyến đường Nares Dambri. Nếu bạn là du khách yêu thích sự trải nghiệm và giao lưu cùng dân địa phương thì Hua Hin chính là địa điểm dành cho bạn. 

Du khách sẽ có cơ hội hòa vào dòng người dân địa phương để tham gia nghi thức đám rước mừng ngày hội Songkran vô cùng hoành tráng. Tại Hua Hin còn đặc biệt ở điểm là bên cạnh lễ té nước sẽ có thêm các trò chơi dân gian được tổ chức và thi đua giữa các đội. Các trò chơi dân gian như mon son phai, tee chob… Vậy đừng bỏ lỡ tour Bangkok - Hua hin cho dịp tết Thái .

Những hoạt động đặc sắc đi kèm lễ hội té nước trong dịp Tết Thái lan

Lễ hội Tết Thái Lan diễn ra trong vòng 4 ngày và những ngày lân cận trước đó. Vậy nên những điều đặc biệt trong mùa lễ hội này không chỉ là nghi thức rước Phật hay náo nhiệt té nước cả một quốc gia mà còn nhiều cuộc thi, trò chơi cũng thú vị không kém được tổ chức. 

Đây là thời điểm vàng để tổ chức các cuộc thí sắc đẹp chính vì du khách đến Thái Lan vào đời điểm này rất đông. Ngoài ra, đây cũng là một hoạt động có giá trị cao trong việc quảng bá du lịch. Và cuộc thi sắc đẹp Wisutkasat ở cầu Rama chính là sự chấm phá nổi bật ở đây. Những cô gái thái xuân thì duyên dáng trong các trang phục truyền thống cùng ứng tuyển và trải qua những vòng thi khắc nghiệt, tranh tài cả sắc. 

Bên cạnh đó những dụng cụ truyền thống được sử dụng trong lễ hội té nước cũng được bày bán rất nhiều trong thời gian này ở khắp các con phố. Nếu bạn thực sự yêu mến Thái Lan và cũng muốn cùng người dân bản địa lưu giữ những vẻ đẹp truyền thống thì hãy mua một đồ chứa truyền thống để cùng vui chơi nhé. 

Du lịch phát triển vốn cũng kéo theo rất nhiều sự biến đổi. Do vậy mà ngày nay chúng ta mới thấy tại lễ hội té nước Thái Lan xuất hiện súng bắn nước, vòi nước, xô, chậu, bóng nước… Thực ra những điều không xấu mà nó còn góp phần rất lớn cho những cuộc vui và kích cầu du lịch Thái Lan. Nhưng những giá trị văn hóa thì nên được bảo tồn, giữ gìn và diễn ra đúng với bản chất của nó. 

Lễ hội thả hoa đăng và diễu hành hoa cũng thú vị không kém trong mùa lễ hội này đấy. Bạn sẽ được chiêm ngưỡng cả một khu phố hoa, một con đường ngập trong sắc màu của hoa và những tượng Phật cao to. Các điệu múa truyền thống cũng được các cô gái Thái uyển chuyển trong điệu nhạc trông rất bắt mắt. Bên cạnh đó, bạn còn được xem các cuộc đua thuyền, nghi lễ treo cờ vào ngày đầu năm… Thật sự vốn có rất nhiều lễ hội và những hoạt động vô cùng thú vị chờ bạn khám phá đấy.

Bỏ túi kinh nghiệm khi du lịch Thái Lan vào mùa Tết Thái Lan

Những phong tục truyền thống của các quốc gia, những lễ hội mới lạ, những hoạt động trước giờ bạn chưa được từng trải nghiệm qua tại Tết Thái Lan đôi khi sẽ khiến cho bạn khá bỡ ngỡ trong chuyến đi này. Không sao cả, nhập gia thì tùy tục. Con người tại các quốc gia hay cả Việt Nam luôn hân hoan chào đón những vị khách du lịch yêu mến và đã lựa chọn quốc gia của mình để làm địa điểm dừng chân và khám phá. 

Thái Lan cũng không ngoại lệ. VNTOUR gửi bạn một vài kinh nghiệm làm hành trang cho hành trình khám phá và vui chơi tại Thái Lan trong dịp lễ hội này nhé. Cùng khám phá ngay nào!

Di chuyển đến lễ hội Tết Thái Lan như nào?

Các chuyến bay đến Thái Lan dường như luôn tiện lợi và nhanh chóng cho chuyến đi của bạn. Hiện tại có khá nhiều thương hiệu đường bay khai thác chuyến này. Bạn có thể lựa chọn của hãng như Vietnamairlines, Vietjet, Thaiairway…

Hiện tại ở Việt Nam bạn có thể xuất phát từ sân bay Quốc tế Nội Bài hoặc Tân Sơn Nhất để có thể đến Thái. Thời gian di chuyển chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ là bạn có đáp đến. Tuy nhiên, nếu bạn muốn trải nghiệm Tết Thái Lan tại các thành phố như Chiang Mai, Phuket thì tại đây vẫn có những sân bay lớn để phục vụ cho việc di chuyển của du khách nhé. 

Sau khi đã đến Thái Lan bạn có thể di chuyển bằng đa dạng các loại phương tiện di chuyển trong nội thành. Tuy nhiên những ngày lễ tết người dân sẽ nghỉ để ăn tết nên bạn cũng cần phải có sự chuẩn bị trước nhé. 

Bên cạnh đó cũng không thể giảm sức hút du khách đối với các mùa lễ hội Thái Lan, thì đây cũng là lúc để người dân có thể phục vụ du khách nên họ cũng rất sẵn sàng với các dịch vụ. Các loại xe như xe tuk tuk, taxi hoặc xe buýt luôn chào đón bạn khi đến Thái Lan. 

Chuẩn bị gì khi tham gia Tết Thái Lan

Hành trình tham gia Tết Thái Lan sẽ có rất nhiều điều cho bạn cần phải chuẩn bị trước khi đến Thái Lan và cả trước khi tham gia các lễ hội trong dịp Tết Thái Lan (lễ hội Songkran). Cùng điểm danh thử bạn đã đầy đủ hành trang nào và cần chuẩn bị thêm gì nhé!

Chuẩn bị trước khi du lịch đến Thái Lan

Thời tiết vào tháng 4 tại Thái sẽ khá nắng nóng và có những thời điểm rơi vào đỉnh điểm của nắng nóng. Vì vậy mà bạn nên chuẩn bị hành lý một vài chiếc áo chống nắng, mũ, găng tay để tráng bị bỏng da, rát da nhé. Bên cạnh đó, trang phục cũng nên lựa chọn trang phục thoải mái, mát mẻ nhưng kín đáo và không nên quá hở hang nhé. 

Kem chống nắng cũng là một vật dụng không thể thiếu đấy. Nắng gặp nước khi vui chơi trong lễ hội té nước sẽ khiến da bị ăn nắng nhanh vô cùng. Bạn nên chuẩn bị cả kem chống nắng da mặt và kem chống nắng dành cho body để có một làn da khỏe sau chuyến đi. Kem chống nắng có độ SPF 50+ sẽ cực kỳ hữu dụng cho cuộc chơi này nhé. 

Đổi tiền cũng là một việc rất quan trọng trước khi qua Thái. Tại ngân hàng hay sân bay hoặc một vài địa điểm ở Thái vẫn hỗ trợ cho bạn đổi tiền VNĐ qua đồng Bath. Tuy nhiên để kỹ lưỡng thì bạn vẫn nên đến các ngân hàng và chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, vé của chuyến đi để được hỗ trợ đổi tiền một cách thuận tiện và giá trị đảm bảo nhất. 

Một vài câu giao tiếp tiếng Thái sẽ là cầu nối cho bạn và những người dân địa phương trong chuyến khám phá và oanh tạc tại lễ hội té nước đấy. Bạn nên chúc mừng năm mới mọi người trong dịp này nhé. 

  • Chúc mừng năm mới: Sawasdee Pee Mai
  • Xin lỗi tôi không muốn chơi: Khor thôt khăp, mai len krap (dành cho nam)
  • Xin lỗi tôi không muốn chơi: Khor thôt kha, mai len kha (dành cho nữ)

Điều đặc biệt là chuẩn bị một tinh thần khám phá và chinh phục vượt trội. Điều đặc biệt là du lịch trong những ngày lễ hội sẽ cho bạn rất nhiều cơ hội để khám phá và trải nghiệm. Có những điều chỉ khi bạn trải nghiệm mới biết nó như nào, ra sao nên chắc chắn Tết Thái Lan sẽ là một chuyến đi vô cùng đáng nhớ trong hành trình của bạn. 

Chuẩn bị trước khi tham gia các nghi lễ, lễ hội té nước tại Tết Thái Lan

Đối với các nghi thức, nghi lễ về tôn giáo và cần sự tôn kính của người nhỏ tuổi trong các nhóm người, chùa chiền thì bạn nên lựa chọn các trang phục phù hợp. Trang phục kín đáo và lịch sự chính là sự lựa chọn tốt nhất cho các chuyến tham quan hoặc tham gia nghi thức rước Phật, đưa tượng Đức Phật diễu hành, nghi thức rước lễ hội Songkran… 

Tuyệt đối không được mặc trang phục hở hang và quá mát mẻ tại những khu chùa chiền, tôn giáo. Bên cạnh đó thì thái độ cũng rất cần thiết trong lúc hành lễ. Phúc cho những người không thấy nhưng vẫn tin, tâm hướng thiện và những điều tốt lành. 

Đến phần lễ hội té nước Thái Lan chắc chắn là phần mà du khách mong chờ nhất. Nên chuẩn bị gì để có thể trải nghiệm một cách thật tuyệt vời tại lễ hội này nhỉ? Một bộ đồ thoáng mát sẽ là một trang phục tiện lợi nhất cho việc vui chơi trong lễ hội. Bạn có thể chuẩn bị súng nước hoặc những vật dụng dễ dàng té nước lên những người xung quanh. Tuy nhiên, nếu bạn muốn bảo tồn và gìn giữ những nét truyền thống của các quốc gia nói chung và Thái Lan thì vật dụng đựng nước truyền thống là một lựa chọn tuyệt vời đấy. 

Bên cạnh đó, những bao bì, túi zip chống thấm nước cũng là những món rất quan trọng đấy. Để tránh bị ướt điện thoại hoặc các đồ dùng cá nhân thì hãy mua một túi chất lượng nhé. Những vật dụng thật sự không cần thiết thì nên để ở nhà để có một cuộc chơi thoải mái nhất nhé. Chiếc kính bơi cũng là một lựa chọn tuyệt vời để bảo vệ đôi mắt của mình đấy. Một vài du khách còn mang cả khăn trùm đầu để giữ một mái tóc sạch và không vấy bẩn. 

Nên làm gì khi tham gia lễ hội Tết Thái Lan

Vốn dĩ những cư dân đang điều khiển tham gia giao thông sẽ không bị tạt nước tuy nhiên để góp phần cho cuộc vui diễn ra trọn vẹn nhất thì bạn nên sử dụng các phương tiện công cộng để tránh bị tắc đường nhé. Bên cạnh đó điều này cũng rất an toàn cho bạn nếu lỡ có di chuyển ngang qua những đám đông vui chơi quá khích và có những hành động gây ảnh hưởng không tốt. 

Du khách bốn phương tụ về và vui chơi tại Thái Lan trong dịp lễ hội này. Xung quanh ta luôn hiện hữu những cá thể khác nhau và không ai có thể biết chính xác người cùng mình té nước hôm đấy như nào. Và đây cũng là lúc mà các hành vi xấu diễn ra rất nhiều và lợi dụng thời gian mọi người không để ý. Chính vì vậy mà bạn thật sự nên cẩn trọng các vật dụng tư trang cá nhân. Nếu thật sự không cần thiết thì không phải mang theo. 

Lễ tết sẽ đi kèm cùng với các buổi tiệc ăn chơi, tiệc tùng và kéo theo các tệ nạn xã hội là điều không thể tránh khỏi. Di chuyển xe cộ một cách cẩn thận nhất và tránh xa đối với những người mà bản thân cảm thấy là không an toàn nhé. 

Những điều kiêng kỵ khi tham gia lễ hội Tết Thái Lan

Lễ hội té nước không phải là sự kiện chính trong lễ hội Tết Thái Lan, vậy nên bên cạnh việc quá chú tâm đến lễ hội này thì bạn cần phải chú ý và ghi nhớ một vài điều để bản thân không vô tình thất lễ ngay trong những nghi lễ hay các hoạt động trong dịp tết của người Thái nhé. 

  • Không được té nước vào nhà sư, trẻ em và những người lớn tuổi. Sẽ có một buổi lễ được cho phép làm điều này nhưng phải té nước bằng nước hoa nhài và hành động cũng nhẹ nhàng, phép tắt. Còn những khu đông người hay vui chơi quá khích thì tuyệt đối không được té nước nhé. 
  • Người Thái Lan quan niệm rằng, té nước chính là hành động gột rửa đi những điều không may mắn, tội lỗi của năm cũ. Vậy nên nếu như có khá ướt thì bạn cũng không nên tắm lại nhé, chỉ nên lau mặt. Nếu bạn tẩy rửa những vết này thì tức là đang làm điều không may mắn và mất lịch sự đối với những người chơi cùng mình. 
  • Không được té nước vào những người đang điều khiển và tham gia giao thông. Tránh gây ra những trường hợp không mong muốn khi tham gia giao thông của người dân và du khách nhé. 
  • Các cuộc chơi quá khích còn có thể sử dụng thêm bột màu. Tuy nhiên điều này hoàn toàn là một sự biến chất của lễ hội. Ngay cả việc sử dụng súng nước hay té nước ồ ạt lên nhau cũng đã là một hành động có phần biến chất. Vậy nên bạn không nên sử dụng các loại màu bột để tránh gây khó chịu đối với những người chơi cùng nhé. Tuy nhiên hành động này cũng không phải là hành động sai hay không đúng đắn nhưng bạn nên xem xét thái độ những người xung quanh tránh quá khích và gây phiền hà. 
  • Không nên có hành vi không tốt hay gắt gỏng, thái độ khó chịu khi tham gia lễ hội té nước Thái Lan. Đây là một lễ hội thể hiện sự may mắn, thay những lời chúc gửi đến nhau và cầu mong may mắn, bình an đến mọi người. Vậy nên hãy thật sự tôn trọng những vẻ đẹp truyền thống của vùng đất này. Và tất nhiên rồi nếu bạn ngại việc bị té nước thì có thể lựa chọn những địa điểm trên cao để thưởng ngoạn cảnh đẹp và xem mọi người vui chơi. 

Lời kết

Tết Thái Lan là một lễ hội đặc sắc và mang đậm những nét truyền thống trong tập tục và vẻ đẹp tôn giáo, con người của Thái Lan. Bên cạnh các nghi thức tôn giáo vô cùng trang nghiêm thì những hoạt động lễ hội cũng diễn ra sôi nổi và luôn hân hoan đón chào du khách từ khắp nơi trên thế giới. 

Hy vọng những kinh nghiệm về lễ hội Tết Thái Lan mà VNTOUR mang đến sẽ có ích cho chuyến đi sắp đến của bạn. Chúc bạn có một chuyến đi an toàn, một mùa lễ hội cùng những sự trải nghiệm độc đáo và hành trình du lịch trọn vẹn nhé. 

Xem thêm: Huahin Thái Lan - Kinh nghiệm đi tour du lịch mới nhất 

Có thể bạn sẽ thích

Scroll hotline hotline