Lâu rồi xa cách Miền Tây Nhớ nồi lẩu mắm đong đầy hương quê Rau vườn góc ruộng bờ đê Cá dưới mương rạch ê hề nhỏ to chiều về gát mái con đò nhâm nhi chén rượu nghe hò xự xang Gió đồng nội thổi miên man Tình quê vương vấn ngập tràn dấu yêu Quê hương nhớ mãi trong chiều Miền Tây ơi hỡi...thương nhiều về em !
Lẩu cháo cua đồng, lẩu mắm rau đắng và lẩu cá linh bông điên điển là những món hấp dẫn bạn nên thử khi đến miền Tây. Vào những ngày thời tiết se mát, mọi người quây quần ăn nồi lẩu nóng sốt thì cảm giác không gì bằng. Một nồi lẩu thông thường bao gồm một nồi nước dùng, rau sống và hải sản, thịt, cá... để trong một cái đĩa. Khi nào ăn chỉ việc đợi nước sôi và gấp rau hoặc đồ ăn sống cho vào nồi.
1. Lẩu mắm rau đắng. Chỉ cần một lần húp nước dùng của nồi lẩu mắm, đoan chắc bạn sẽ không bao giờ quên được hương vị đậm đà của nó. Lẩu mắm được xem là món ăn đặc sản của người dân Tây Nam Bộ. Một nồi lẩu mắm ngon tuyệt đối không được thiếu cà tím và mắm. Với vị ngọt dễ chịu, chút cay cay thơm mùi sả quyện cùng mùi thơm của mắm.
Mắm nấu cho món này phải có ít nhất ba loại: mắm sặt, mắm trèn và mắm linh. Trong nồi lẩu còn có nhiều loại nguyên liệu khác như thịt ba rọi, cá hú, tôm, mực. Lẩu mắm thường được ăn kèm với nhiều loại rau, trong đó ngon nhất phải nói đến rau đắng. Ngoài ra, còn có rau cù nèo (kèo nèo), bông súng, rau muống, rau nhút, đậu rồng... Người dân miền tây thường ăn lẩu mắm với bún, rau dùng kèm cũng chỉ nhúng vào nước dùng sôi và lấy ra liền. Xem thêm tour du lịch miền Tây Những loại hải sản được bày sẵn ra đĩa, chỉ khi nào ăn mới bắt đầu cho vào nồi nước dùng sôi
2. Lẩu cá linh bông điên điển. Miền tây bước vào mùa nước nổi khoảng từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Đây cũng là giai đoạn xuất hiện nhiều cá linh tươi ngon nhất. Cũng vào mùa này, loại bông điên điển đua nhau nở rộ khắp mé sông. Có lẽ vì vậy mà người miền Tây đã kết hợp hai món này lại với nhau để tạo nên món lẩu cá linh ngon nức nở.
Cá linh tươi được làm sạch ướp gia vị đậm đà, cho nước dừa vào nồi lẩu để nấu, dầm chút me lấy vị chua rồi biến hóa nêm nếm cho vừa ăn. Trên mặt lẩu, cũng cho thêm tỏi phi và rau ngò gai. Cá linh không cho vào nước lẩu ngay từ đầu vì cá vốn nhỏ và mau chín, nên chỉ khi nào mọi người đã sẵn sàng dùng bữa mới trút cá linh vô nồi và cho thêm bông điên điển vào. Món lẩu cá linh nên dùng kèm với bún hoặc cơm nóng. nhúng bông điên điển vào nồi lẩu rồi lấy ra ăn liền để giữa được độ giòn và ngọt của bông.
3. Lẩu cháo cua đồng. Để có một lẩu cháo cua đồng thơm ngon, loại cua được chọn để chế biến là yếu tố quan trọng nhất. Cua đồng phải tươi, được rửa sạch, bỏ yếm, gỡ mai, sau đó giã nát thịt cua, nêm nếm vừa ăn và cho vào nồi nước sôi. Thịt cua sau khi cho vào nồi sẽ tạo thành từng mảng lớn, cắn một miếng vị thơm của cua làm ngây ngất vị giác.
Nồi lẩu còn được cho thêm nấm rơm, hành tím, hẹ để tăng thêm hương vị. Lưu ý món cháo nấu cua đồng không được nấu đặc mà phải loãng để người dùng nhúng rau. Rau ăn kèm với lẩu cháo cua đồng rất đa dạng như rau ngót, mồng tơi, rau má... Bạn cũng có thể xắt sợi củ gừng để ăn kèm nhằm làm dậy vị của nồi lẩu. Lẩu cháo cua đồng không cần dùng kèm với bún hoặc mì.