Nhắc đến miền tây thì hầu như ai ai cũng biết đây là xứ sở của các loại trái cây đặc sản, nào là quýt Cái Bè, thanh long Chợ gạo, bưởi năm roi...
Ngoài trái cây ra thì đây cũng là vựa lương thực lớn nhất khu vực miền nam, đường về miền Tây đi dọc theo quốc lộ 1A chắc chắc bạn sẽ đi qua một Thành phố trên 300 năm tuổi, đó là Mỹ Tho Đại phố nơi mua bán sầm uất nhất miền nam thời xưa, nếu về đây mà không ngắm con gái miền Tây cười thì đó sẽ là mất mác lớn nhất của bạn khi đến nơi đây, con gái miền Tây tới giờ vẫn cười lúng liếng, áo bà ba, hát thơ trên sông Tiền Giang chảy xuôi về biển.
Du lịch Cù lao Thới Sơn Đến du lịch Mỹ Tho sẽ là thiếu sót lớn nếu bạn không đi ra bến đò Rạch Miễu xưa, để nghe những người lớn tuổi nơi này kể những câu chuyện thú vị về bến phà, sự sôi động nơi này, nơi có thể nhìn thấy cảnh bến cóc đìu hiu nhưng hữu tình, Ngày nay một cây cầu dây văng khổng lồ màu đỏ chăng ngang sông Tiền nơi người ta hay gọi là cầu Rạch Miễu, cây cầu này đã nối Mỹ Tho với xứ dừa Bến Tre. Đứng trên cầu Rạch Miễu cao vút ấy, khách du lịch có thể thấy một Mỹ Tho Đại Phố như thuở xưa trong nắng chiều. Màu đỏ của nắng chan hết cả dòng sông, áng lên những tòa nhà mới, áng lên cả những màu đỏ gạch cũ từ những ngôi nhà Đông Dương xưa còn rải rác đâu đó. Còn lại là màu xanh ngắt lịm. Tiền Giang là xứ trái cây, nhà vườn tứ bề, quanh năm sum suê, trái cây bán rẻ rề khắp dọc đường đi.
Đến du lịch Mỹ Tho bạn nên ra bến thuyền để vượt sông đến với cù lao Thới Sơn. Ít ai có thể ngờ cù lao Thới Sơn mang một vẻ đẹp hoang sơ và bình dị giờ chứa trong nó một bí mật nhỏ xíu: Một khu du lịch miệt vườn với màu xanh của vườn nhãn, vườn xoài, trái cây phủ ngập cù lao. Bạn sẽ được đi xuồng trên những rạch nước nhỏ chen giữa những hàng dừa nước rậm rạp, đi qua những vườn trái cây chín trĩu quả, những cô gái mặc bà ba chít eo chèo đò đưa những anh Tây, cô Nhật đi khắp những lạch nước. Người người tĩnh lặng, nghe tiếng nước khua, chui qua gầm những cây cầu khỉ được bắt qua sông rạch đặc sệt kiểu miền Tây.
Đến du lịch Thới sơn bạn có thể thuê một chiếc xe ngựa để dạo quanh một vòng cù lao, thưởng thức những loại trái cây tươi rói, uống những ngụm nước dừa làm mát lòng mọi du khách đến nơi đây. Càng đi sâu vào những con đường nhỏ giữa các hàng cây ăn trái, bạn có thể dễ dàng tìm ra những khu “chợ” nhỏ dưới mái nhà lá đơn sơ nhưng không kém phần nhộn nhịp buôn bán các mặt hàng lưu niệm cho khách du lịch. Giữa những mái nhà tranh, chủ nhà bày ra bàn tròn vài ba bộ ấm chén, bán mật ong, nước chanh, nước tắc pha mật ong, nước dừa cho khách đi bộ chơi mỏi chân ngồi ngắm dòng nước cho quên chút mệt nhọc. Mấy cô gái nhà vườn mặc áo bà ba màu hoa quê mùa, kẹp tóc ngang vai, rót nước, châm trà, đối với ai cũng nhẹ nhàng như khách, không phân biệt Tây Ta gì cả, món uống rẻ rề vì vậy cũng thành thơm ngon.
Quanh một vòng với những chái nhà có hàng râm bụt nở hoa đỏ rực phủ ngang, có những nhóm đờn ca tài tử chăng đàn hát lên một khúc dài buồn thê thiết. Người muốn nghe đờn hay nên kĩ tính một chút, đi một vòng nghe các cô hát cả, rồi hãy chọn một chỗ ngồi nghe. Dân miền Tây vẫn có lệ nghe cô đào hát ngọt quá thì bỏ chút tiền vô bông hoa cắm trên bàn đem tặng ca sĩ, nhưng ở ngôi nhà nào cũng dặn: “Tùy khách, không có ép gì hết.” Bởi các cô hát để phục vụ ly nước 10.000 đồng kia của khách rồi, cũng là đãi khách thêm một tiếng ca ngọt mát giữa trưa hè bên sông Tiền lộng gió.
Trên cù lao Thới Sơn người ta có thể nhìn thấy những xưởng kẹo dừa nhỏ, vẫn có thợ đứng quấy nồi kẹo đang sôi, vẫn có kẹo đổ ra khuôn, cắt ra miếng, có người gói vỏ giấy cho từng viên kẹo dừa. Bởi sát ngay xứ dừa Bến Tre, rất nhiều xưởng kẹo dừa đã ra đời và tồn tại ở đây từ rất lâu, tận thuở mà những món quà ngọt vẫn còn là xa xỉ với đám trẻ con thành phố, dân xứ này đã làm kẹo dừa nhai cho vui miệng cả ngày. Đi hết một vòng cù lao Thới Sơn, coi như người mê chơi đã thấy một góc thu nhỏ cả xứ miền Tây, thấy miệt vườn cây trái, đi đò qua những lạch nước chen giữa rặng dừa nước u minh, nghe đờn ca, thấy lò kẹo, rồi đụng ngay con sông Tiền mênh mông nặng phù sa, nước sông chớm khắp lạch bờ trong mùa nước nổi cuối năm.
Tham quan Mỹ Tho đại phố. Điều đặc biệt khi bạn du lịch Mỹ Tho đó là có hai cái giếng nước rất lớn, được cắt qua bởi một con đường. Giếng nước nhỏ tuy bé hơn nhiều nhưng vẫn giữ được phần không gian rất lớn do cây xanh bao bọc xung quanh, với những hàng quán nhỏ và những thói quen sinh hoạt quen thuộc của người dân địa phương. Những hoạt động rất phố thị của cư dân Mỹ Tho dễ dàng được thấy ở khu vực này, những tay chơi motor, nhóm chơi cano điều khiển từ xa, nhóm nhảy thể thao, chơi cầu mây, cầu lông cũng tụ họp về sinh hoạt. Nhìn từ trên cao, hai giếng nước đó giống như tấm gương viền xanh rì, khiến thành phố tĩnh lặng và dễ chịu hơn rất nhiều.
Đến du lịch Mỹ Tho bạn nên một lần ghé thăm chùa Vĩnh Tràng một di tích đẹp lộng lẫy. Kiến trúc của ngôi chùa là một ngôi nhà Pháp cổ, chạm trổ tinh tế, ánh sáng tràn ngập vào các gian thờ tự, không gian tĩnh lặng, sang trọng. Ở giữa ngôi chùa là khoảnh không gian rộng có hồ nước và non bộ để ánh sáng tràn vào, khiến các điện thờ lúc nào cũng có không khí mới mẻ, gió nhẹ nhàng len vào khe cửa.
Tượng Thập bát La Hán được nghệ nhân Nam Bộ tạc theo dạng tượng tròn, nét nhân thể và gương mặt rất tinh tế và độc đáo. Những ban thờ, chạm khắc bằng gỗ, tượng Phật... đều là di sản từ hơn trăm năm trước. Tượng Phật được chạm khắc rất đẹp, cùng với những hoành phi, câu đối trang trọng, không lòe loẹt mà rất nghiêm cẩn, đơn giản. Ngôi chùa này đặc biệt nổi tiếng với khách du lịch quốc tế vì vẫn giữ nguyên những nét cổ xưa của kiến trúc, của không gian sinh hoạt, các tượng thờ và cổ vật đậm nét điêu khắc của người Việt Nam Bộ. Rời khỏi cửa chùa trong nắng trưa, đi xênh xang qua phố, thấy chợ cũ Mỹ Tho vẫn ý ới những tiếng rao muộn màng. Thành phố nhỏ này bỗng nghe thấy rì rào tiếng sóng sông Bảo Định đập vào bờ kè công viên, có người chèo ghe lên bờ ngơi tay, ngồi ngủ gật trên ghế đá. Tất cả dòng sông quanh đây là phố chợ, là những chuyến ghe đầy chuối vàng ươm, xanh rợp màu dưa hấu, dừa nước... đi về.