Nằm ở miền Tây Nam Bộ, vừa có vùng sông nước mênh mang, vừa có núi non kỳ vĩ lại giáp biên giới Campuchia, du lịch An Giang là một điểm đến thú vị nhất trong du lịch mùa nước nổi.
Cánh đồng Tà Pạ (huyện Tri Tôn): như một tấm thảm rộng lớn với những đồng lúa xanh ngắt và những hàng thốt nốt hiên ngang giữa trời xanh. Hồ Tà Pạ - dấu vết còn sót lại của khu vực khai thác đá trên đỉnh đồi mang vẻ đẹp thơ mộng, phẳng lặng như tranh thủy mặc.
Hồ Soài So: Hồ nước nằm dưới chân núi Cô Tô, thuộc địa bàn xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Hồ có chu vi khoảng 5 ha, dung tích 400.000 m3, có chức năng cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong vùng. Những năm gần đây, Soài So được đưa vào khai thác du lịch. Với cảnh quan tươi đẹp và khí hậu trong lành, nằm trong quần thể các khu du lịch nổi tiếng của Tri Tôn, Soài So là một trong những điểm đến hấp dẫn dành cho du khách. Hồ nằm dưới chân núi Tô xanh rì, trên núi có dòng suối Bạc ngày đêm đổ nước xuống hồ, âm thanh tiếng suối có thể nghe thấy được từ rất xa. Nước hồ trong vắt, mặt hồ phẳng lặng, gợn sóng lăn tăn. Cạnh bờ hồ còn có nhiều chùa, miếu để du khách vào viếng thăm và cúng bái. Xen kẽ vào đó là những hàng cây râm mát, những vườn rau, vườn điều mang nhiều sắc thái của một miền quê thôn dã, tạo cho du khách một ấn tượng khó quên.
Nhà mồ Ba Chúc (Tri Tôn): là di tích căm thù bọn Pôn Pốt được xây dựng vào năm 1979 và được xây mới lại vào năm 2014 với hình dáng hoa sen 16 cánh, chứa đựng 1.159 bộ hài cốt gom được của những người dân vô tội bị bọn diệt chủng Pôn Pốt thảm sát.
Ngọn đồi "hai triệu đô la" (Đồi Tức Dụp - Tri Tôn): Tức Dụp thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, là một ngọn đồi của dãy núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), cách Thị trấn Tri Tôn vài ki-lô mét. Tuy là một ngọn đồi nhỏ, cao khoảng 300m, nhưng có địa hình hiểm trở, với nhiều tảng đá dựng cheo leo tạo thành những lò ảng (hang trên núi) ăn luồn nhau như tổ ong. Nhờ đặc điểm ưu việt này, Tức Dụp còn được mệnh danh là ngọn đồi “2 triệu đôla” là giá trị của bom đạn mà Mỹ cương quyết ném xuống để san bằng ngọn đồi, bất lực trước tinh thần kháng chiến dũng cảm và mưu trí của quân dân An Giang, Tức Dụp đã trở thành một căn cứ kháng chiến nổi tiếng trong thời kỳ chống Mỹ. Hòa bình lập lại, đồi Tức Dụp từ một ngọn đồi trọc, không còn vết tích của sự sống do hậu quả của bom đạn chiến tranh, nay đã bắt đầu trở lại màu xanh cây lá và trở thành một di tích lịch sử được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng. Với phong cảnh hữu tình, nằm bên cạnh ngọn núi Cô Tô hùng vĩ, đồi Tức Dụp luôn tấp nập du khách đến tham quan trong những dịp lễ, Tết,... để xem những chiến tích xưa, được hít thở không khí trong lành, chiêm ngưỡng cảnh núi non trập trùng. Đến đây, du khách có thể tham quan những địa danh như: hang C.6, hang Quân y, hang Thanh Niên, Hội trường Tỉnh ủy,... Đồi Tức Dụp ngày nay là một di tích lịch sử nhằm giáo dục cho thế hệ sau này và xứng đáng là khu tham quan, giải trí lý tưởng, đúng như lời khen ngợi của những người đã từng một lần đến đây.
Núi Cấm (Huyện Tịnh Biên): Núi Cấm nơi du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang khi bạn đi du lịch miền tây, vì núi có dáng vẻ hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp và cây cối luôn xanh tươi. Trên núi có các danh lam và danh thắng như: Chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, hồ Thủy Liêm, v.v... Ngoài ra, dọc theo những lối mòn từ chân lên tới đỉnh núi có nhiều điểm tham quan như: suối Thanh Long [6], suối Tiên, điện Cây Quế, điện Mười Ba, điện Tam Thanh, điện Huỳnh Long, hang Ông Thẻ, hang Ông Hổ, hang Bác Vật Lang, động Thủy Liêm. Dưới chân núi Cấm, về phía Đông là khu du lịch Lâm Viên, với diện tích khoảng 100 ha, có cảnh quan đẹp, có đường tráng bê tông khá rộng lên đến đỉnh, đặc biệt có cáp treo núi Cấm đã được hoàn thành và đưa vào phục vụ khách du lịch từ ngày 14 tháng 02 năm 2015 (nhằm ngày 26 tháng 12 năm 2014 âm lịch).
Rừng tràm Trà Sư (Huyện Tịnh Biên): Rừng tràm Trà Sư có diện tích gần 850ha, là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, nơi sinh sống của nhiều loài chim nước, động vật hoang dã và thủy sinh vật, thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Hệ động vật ở rừng tràm Trà Sư khá phong phú. Hệ chim gồm 70 loài, trong đó có 2 loài chim quý hiếm là giang sen và điêng điểng. Hệ thú nổi bật với 15 loài dơi và 4 loài gặm nhấm, trong đó có loài dơi chó tai ngắn quý hiếm đã được ghi trong sách Đỏ Việt Nam. Hệ bò sát, ếch, nhái ghi nhận 25 loài, gồm cả rắn hổ mang và rắn cạp nong. - Trà Sư cũng là nơi trú ngụ của 10 loài cá xuất hiện quanh năm và 13 loài cá chỉ xuất hiện vào mùa lũ, trong đó có 2 loài cá có giá trị khoa học và đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng là cá còm và cá trê trắng. Hệ thực vật ở rừng tràm Trà Sư cũng khá đa dạng với 140 loài, trong đó có 22 loài cây gỗ, 25 loài cây bụi, 10 loài dây leo, 70 loài cỏ, 13 loài thủy sinh. Nổi bật nhất là cây tràm, và thảm bèo mơn mởn giăng kín mặt nước. Ngoài ra, vùng đệm rừng tràm Trà Sư còn là nơi sinh sống của của cộng đồng người Khmer và người Kinh, với các nghề thủ công truyền thống như: dệt thổ cẩm, nấu đường thốt nốt, chưng cất tinh dầu tràm, nuôi ong lấy mật...
Chợ Tịnh Biên: Chợ Tịnh Biên có bán nhiều đặc sản miền Tây mùa nước nổi, một số mặt hàng của Thái Lan, Cam-pu-chia cũng được bày bán. Chợ Tịnh Biên còn mang nét giao lưu văn hóa của người Việt, người Khmer.
Chùa Bánh Xèo (Thiền viện Đông Lai - Huyện Tịnh Biên): Tọa lạc dưới chân núi Cậu, Thiền viện Đông Lai thuộc khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, là một địa chỉ hành hương nổi tiếng. Trước đây bà con phật tử thường gọi Thiền viện là chùa Phật Nằm. Về sau, chùa lại được bá tánh gần xa gọi bằng một cái tên mộc mạc, gần gũi là chùa Bánh Xèo. Có tên gọi chùa Phật Nằm là vì bên phải chùa có tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn, trong tư thế nằm nghiêng với chiều dài 6 mét. Còn về tên gọi chùa Bánh Xèo là do nhà chùa đổ bánh xèo chay phục vụ miễn phí cho khách hằng ngày. Việc tổ chức đổ bánh xèo và bánh tét khởi phát từ năm 1999 từ ý tưởng của Thượng tọa Thích Thiện Chí, nhân kỷ niệm ngày sư ông cất chùa viên tịch. Sau khi thưởng thức bánh xèo, bánh tét, khách gần xa đều không ngớt lời khen ngợi, từ đó nhà chùa duy trì việc đổ bánh xèo phục vụ khách hằng ngày. Thậm chí, nhiều người dân trong vùng biết việc làm thơm thảo của chùa nên hiến cúng rau đậu, gạo muối. Mùa mưa một số người còn lên núi hái rau rừng như cát lồi, đọt sung, đọt bứa, kim thất, lá vông cho chùa. Phục vụ bánh xèo, bánh tét của Thiền viện Đông Lai là một việc làm phúc đức, một hạnh từ bi theo chánh pháp nhà Phật. Chính vì vậy mà Thiền viện Đông Lai ngày càng thu hút khách thập phương, ngoài khách khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn có khách từ miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên… sân chùa lúc nào cũng có xe đò, xe khách vãng lai đậu thành hàng.
Thánh đường Cù Lao Giêng (Chợ Mới): Vùng Cù Lao Giêng thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang được xem là xứ đạo. Nơi đây vào thời thuộc Pháp đã xây dựng nên một nhà thờ thuộc họ đạo Thiên Chúa và dân địa phương đặt tên là nhà thờ Giêng vì toạ lạc trên đất Cù Lao Giêng. Đây là công trình kiến trúc do Pháp xây dựng tại xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới. Có lẽ, niềm tự hào lớn nhất của người dân Cù Lao Giêng nơi đây là nhà thờ Cù Lao Giêng được xây năm 1877, chỉ sau nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn tồn tại nguyên vẹn. Việc xây dựng nhà thờ ở một vùng sông nước lúc bấy giờ gặp muôn ngàn khó khăn, kéo dài ròng rã 12 năm mới xong. Nhà thờ Cù Lao Giêng được thiết kế theo mô típ Romane, phần lớn vật liệu được đem từ nước Pháp qua. Ngôi thánh đường uy nghi, thâm nghiêm với tháp chuông cao vút, các trụ cột tròn, vững chãi liên kết cùng các ô cửa, vòm gió và các tháp nhọn nhỏ hình khối đa giác, các cửa giả hình chữ U ngược, tạo thành một kiến trúc bề thế và hoành tráng.
Tu viện thánh Phanxico (Chợ Mới) Cù lao Giêng từng được mệnh danh là đệ nhất cù lao, đây là nơi tọa lạc hệ thống tu viện kiến trúc cổ: Dòng Tu chúa Quan Phòng xây dựng năm 1872 trên diện tích 70.000m2 với lối kiến trúc Roman; Dòng tu Phanxico là nơi huấn luyện các linh mục và là cơ sở từ thiện, cuối thế kỷ XIX được gọi là Chủng viện đào tạo Linh mục cho giáo phận Nam Vang. Sau này được gọi là tu viện Phanxico với diện tích khuoân viên 71.000m2. Tọa lạc trên diện tích 71.000m2 (ở ấp Tấn Bình, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới), xây dựng theo phong cách Gothic-lối kiến trúc ra đời sau phong cách Romane. Điểm khác biệt giữa hai phong cách kiến trúc là ở mái vòm, tu viện Phanxico xây dựng theo kiểu vòm nhọn, tu viện có nhiều cửa sổ và kích thước cửa sổ cũng lớn hơn. Kết cấu tổng thể của tu viện gồm 3 dãy nhà đối xứng nhau tạo thành hình chữ U, ở giữa nhà thờ; trước nhà thờ là sân lớn, phía sau có nhà “các Chú” và nhà sinh hoạt.
Tu viện Chúa Quan Phòng (Chợ Mới): Tu viện Chúa Quan Phòng là một trong ba quần thể di tích tôn giáo lâu đời ở cù lao Giêng. Hiện nay, tu viện nằm trên địa phận ấp Tấn Bình, xã Tấn Mỹ, với diện tích trên 70.000m2 gồm khu nhà thờ, nơi học tập, làm việc, trại chăn nuôi, khu trồng trọt và nơi ở cho những nữ tu già yếu. Tu viện rêu phong, trầm mặc với thời gian, toát lên vẻ cổ kính, lâu đời tạo cảm giác hoài cổ trong cái nhìn đầu tiên đối với du khách. Tại đây kiến trúc cổ hòa lẫn với tự nhiên tạo thành một phong cảnh độc đáo không phải nơi nào cũng có được. Trong khuôn viên tu viện chen lẫn những vườn hoa đẹp với nhiều chủng loại khác nhau, một số có xuất xứ từ Đà Lạt. Dọc theo các vườn hoa xinh đẹp, các nữ tu sĩ thả nuôi rất nhiều cá, tạo nên phong cảnh thiên nhiên hữu tình, gần gũi, níu chân lữ khách mỗi lần đến tham quan, thưởng ngoạn, một cảm giác trầm mặc khó quên.
Chợ nổi Long Xuyên (TP Long Xuyên): Chợ nổi Long Xuyên nằm trên sông Hậu rất gần với thành phố Long Xuyên, An Giang, đây là một trong những chợ nổi hiếm hoi ở miền nam còn giữ được những nét sinh hoạt rất nguyên sơ của miền tây sông nước. Với chiều dài của khu chợ nổi chừng 2 km, nằm dọc theo một bên của sông Hậu, du khách dễ dàng ngồi ghe đi một vòng tham quan khu chợ nổi Long xuyên và vòng về tham quan Làng nổi Long Xuyên nằm kề bên. Mặc dù chợ nổi Long Xuyên không quá lớn như chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ, tuy nhiên khi đến với chợ nổi Long Xuyên du khách sẽ cảm thấy như đang hòa mình vào nét sinh hoạt bình dị của người dân ở đây. Đoàn chúng tôi khởi hành khoảng 6h45 phút từ bến phà Ô Môi, Long Xuyên, đến chợ nổi chừng 5-10 phút ngồi ghe. Đây cũng là thời điểm bà con đang dùng bữa sáng ngay trên ghe thuyền của mình, một cảnh sinh hoạt rất tự nhiên của người dân miền tây. Một điểm đặc trưng khác là chợ nổi Long Xuyên vẫn còn ít du khách ghé thăm, chính điều này làm chợ nổi Long Xuyên không bị du lịch làm thương mại hóa, rất phù hợp cho những du khách thích khám phá những điều thú vị mới mà không bị nhàm chán.
Khu lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng (TP Long Xuyên): Khu tưởng niệm xây dựng 5/1997, hoàn thành 8/1998 nhân ngày sinh thứ 110 của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, trên khuôn viên 1.600m², cạnh ngôi nhà cổ của gia đình Bác. Đền thờ kiến trúc cổ lầu tam cấp, các chi tiết bằng gỗ đều là gỗ quý. Vị trí trang trọng có tượng bán thân Chủ tịch Tôn Đức Thắng, phía trên bao lam là rồng cuốn thư mang dòng chữ vàng "Chủ tịch Tôn Đức Thắng", hai bên bao lam chạm hình cây trúc, phía dưới là cá chép đỡ bao lam. Xung quanh đền trang trí biểu tượng ngũ phúc (phúc, lộc, thọ, khang, ninh). Ngôi nhà cổ là nơi Chủ tịch đã sống thời thơ ấu, do thân sinh của Bác là cụ Tôn Văn Đề xây dựng năm 1887, kiến trúc hình chữ "Quốc", khung cột sàn nhà bằng gỗ, mái lợp ngói ống, ngang 12m, dài 13m. Phía sau ngôi nhà này có 4 ngôi mộ của thân phụ, thân mẫu và vợ chồng người em trai của Bác Tôn. Ngôi nhà này được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích tháng 12/1984. Đối diện với đền thờ là nhà lưu niệm, trưng bày hiện vật, tư liệu hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn. Bước qua cửa có hai câu đối: "Tựa lưng Bảy Núi, uống nước Cửu Long, Mỹ Hòa Hưng ngời danh sứ sở/ Khơi lửa Ba Son, kéo cờ Bắc hải, Tôn Đức Thắng dạng tiếng non sông".
Nhà thờ Long Xuyên (TP Long Xuyên): Nhà thờ chính tòa Long Xuyên hiện nay tọa lạc tại phường Mỹ Long, ở trung tâm thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Đây là nhà thờ chính tòa của giáo phận Long Xuyên. Ngày 24 tháng 11 năm 1960, Giáo hoàng Gioan XXIII ra Sắc chỉ Christi Madata thành lập Giáo phận Chính tòa Long Xuyên. Nhà thờ Thánh Tôma khi đó là nhà thờ giáo xứ Long Xuyên được chọn làm nhà thờ chính tòa. Nhà thờ này được xây dựng từ xây năm 1903 theo kiến trúc phương Tây hiện nay là nhà nguyện dành cho các linh mục, tu sĩ về tĩnh tâm hằng tháng và hằng năm. Nhà thờ chính tòa hiện nay là nhà thờ Thánh Nicôla Bari. Nhà thờ này được xây dựng vào năm 1958, do linh mục Piô Nguyễn Hữu Mỹ phụ trách. Sau đó tiếp tục được xây dựng mở rộng và chính thức được khánh thành ngày 15 tháng 8 năm 1973 và trở thành nhà thờ chính tòa giáo phận. Nhà thờ có chiều dài 60m, rộng 18m, cao 20m, tháp chuông cao 55m. Ở mặt tiền của nhà thờ có tượng Đức Mẹ rất lớn do đó nhà thờ còn được gọi là Nhà thờ chính tòa Đức Maria Ban Hòa Bình hay Nhà thờ Nữ vương Hòa bình. Tượng Đức Mẹ này giống với hình ảnh về Đức Mẹ Pontmain. Nhà thờ có chiều dài 60m, rộng 18m, cao 20m, tháp chuông cao 55m.
Vườn dâu Mỹ Khánh (TP Long Xuyên): Đến với Vườn dâu Mỹ Khánh, du khách sẽ tận hưởng được bầu không khí trong lành với bao la cây trái. Ngoài ra còn có thể thưởng thức các thức ăn, thức uống đặc sản như: Sirô Dâu, Sirô Chúc, Mứt Dâu,...
Khu du lịch Núi Sập (Thoại Sơn): Khu du lịch núi Sập nằm tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, cách thành phố Long Xuyên khoảng 26km. Trước kia, núi Sập có hình con thỏ nằm phủ phục bên những đồng lúa xanh ngút ngàn đến tận chân trời. Theo thời gian, ngọn núi bị biến dạng thành những hình khối muôn màu, vẽ lên một không gian núi non huyền bí. Sườn phía tây của núi Sập có danh thắng bậc nhất của vùng núi Thoại Sơn: hồ số 1, hồ số 2, hồ Ông Thoại, được thông nhau bằng các đường hầm xuyên núi và hang núi Sập. Ba hồ nước này chỉ được tạo ra cách đây vài năm khi núi Sập bị con người khai thác sâu vào chân núi để làm nên những sản phẩm bằng đá độc đáo. Du khách đến đây có thể bơi thuyền thưởng ngoạn cảnh đẹp hùng vĩ của núi cao, hang sâu, hồ nước xanh thẳm với những đàn cá lượn bơi. Để tạo điểm nhấn cho cảnh đẹp của các hồ nước, Ban quản lý khu du lịch Núi Sập đã dựng quanh hồ và các đảo nhỏ nhô lên mặt nước những tượng đá mang hình Nữ thần Siva, tháp Ponagar, hình tượng Linga, Yony… do những nghệ nhân vùng núi Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng đẽo gọt. Một hệ thống đường lên núi cũng đã được mở rộng để lên đỉnh, dù không cao lắm nhưng vẫn tạo cho du khách cảm giác sảng khoái nhờ khí trời trong lành và từ đó phóng tầm mắt bao quát được cả thị trấn Núi Sập, xa hơn nữa là cánh đồng lúa mênh mông, vào mùa đốt đồng khói lan tỏa trắng xóa, huyền ảo...
Di chỉ Óc Eo (Thoại Sơn): Óc Eo là nơi nhà khảo cổ Luis Malleret thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ của Pháp (École Française d'Extrême Orient) tiến hành khai quật khảo cổ đầu tiên vào năm 1944. Sau ngày đất nước thống nhất, các nhà khảo cổ, nhà khoa học VN và quốc tế tiếp tục khai quật, nghiên cứu thêm hàng loạt di chỉ ở đây, nhiều nơi khắp Nam bộ và đã phát hiện thêm vô số di chỉ, di vật cổ quý giá. Các kết quả nghiên cứu đều khẳng định tại Nam bộ hơn ngàn năm về trước từng hiện diện vương quốc Phù Nam vốn được ghi chép nhiều qua các thư tịch cổ Trung Hoa, tồn tại thế kỷ I đến VII với lãnh thổ bao gồm cả Nam bộ ngày nay. Những thực thể và các di chỉ khảo cổ này được xếp thuộc nền văn hóa có tên gọi Óc Eo, do Óc Eo là nơi phát hiện đầu tiên và có nhiều di chỉ đặc trưng, tiêu biểu nhất của nền văn minh Phù Nam. Với những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu đó, năm 1998 khu di tích Óc Eo được công nhận là khu di tích quốc gia, và Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định xếp hạng di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê là di tích quốc gia đặc biệt.
Miếu Bà Chúa Xứ (TP Châu Đốc): Miếu Bà Chúa Xứ là một công trình kiến trúc đẹp và tôn nghiêm, tọa lạc dưới chân núi Sam, thuộc phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đây là một di tích nổi tiếng ở khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hàng năm thu hút gần 2 triệu lượt người đến cúng bái, tham quan. Khách hành hương, du lịch đến từ khắp nơi trên cả nước, tạo nên một mùa lễ hội sôi nổi, đông đảo kéo dài suốt nhiều tháng.
Chợ Châu Đốc (TP Châu Đốc): Nằm ở phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc, chợ Châu Đốc là điểm đến du khách không thể bỏ qua trong chuyến du lịch về miền Tây Nam bộ. Chợ có nhiều mặt hàng phong phú nhưng nổi tiếng nhất vẫn là các loại mắm làm từ cá… Chợ Châu Đốc ra đời từ những năm trước thời kỳ giải phóng đất nước, đây được coi là một trong những khu chợ buôn bán sầm uất nhất các tỉnh miền Tây Nam bộ. Khu chợ này rộng trên 400m2, được chia làm nhiều khu vực buôn bán khác nhau, từ may mặc, mỹ phẩm, ẩm thực đến món mắm Châu Đốc nổi tiếng theo công thức gia truyền riêng của từng thương hiệu. Khi bước vào chợ, điều đầu tiên mà bạn cảm nhận chính là mùi thanh nồng của mắm xộc vào mũi.
Với nhiều du khách, đây vừa là một thứ mùi “khó chịu” nhưng cũng không kém phần cuốn hút khiến họ tò mò. Vì mang mùi đặc trưng nên mắm cá được bày bán ở một khu riêng biệt trong chợ. Các sạp hàng bán mắm dựng san sát nhau, mỗi sạp gồm nhiều kệ, mắm được chất chồng trong các thau để bán, đủ màu sắc và mùi vị trông rất hấp dẫn. Để đảm bảo hàng bán cho du khách, ngoài việc thường xuyên kiểm tra thau mắm, các tiểu thương thắp điện và bật quạt cả ngày để đuổi ruồi nhặng. Chủ gian hàng mắm bà Giáo Khỏe chia sẻ: “Tôi buôn bán ở đây cũng trên chục năm rồi, đây cũng như nghề gia truyền, đa phần mắm được bày bán là do nhà tự làm theo cách riêng từ khâu chế biến đến khâu ủ mắm, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo vệ sinh và mùi vị, có vậy mới làm hài lòng khách hàng được”. Có rất nhiều loại mắm được bán tại chợ từ mắm chốt, mắm sặc, mắm trèn, mắm thái đến mắm rô… Mắm cá Châu Đốc có vị ngọt, thơm ngon hơn hẳn so với các loại mắm khác. Ngon không chỉ do cách làm mà phần nào còn do cá nơi đây được sinh sống trong vùng đất được hưởng nhiều ưu đãi của thiên nhiên. Tuy nhiên, đắt hàng nhất vẫn là mắm ba khía và mắm cá lóc, chỉ nhìn thau mắm hấp dẫn trước mắt thôi cũng đủ khiến lưỡi bạn phải “đổ mồ hôi”. Để có một mẻ mắm ngon và đạt chất lượng, người thợ làm mắm phải biết cân bằng lượng cá và lượng muối, đường sao cho phù hợp. Đường ở đây phải là đường thẻ, loại đường cục để khi nấu mới nhanh kẹo lại mà khi mắm chín ăn cũng sẽ ngon hơn thay vì làm bằng các loại đường khác.
Chợ nghĩa địa (chợ Châu Long - TP Châu Đốc): Chợ Châu Long được xem là chợ đồ cũ lớn nhất miền Tây. Chợ Châu Long không chỉ cung cấp hàng sỉ cho các mối lái ở nhiều tỉnh khu vực phía Nam mà còn là nơi thu hút khách du lịch đến mua sắm mỗi khi ghé thăm TP Châu Đốc. Nhín chút thời gian dạo một vòng quanh chợ “si-đa” này, du khách sẽ có những trải nghiệm đầy bất ngờ và thú vị. Thoạt nghe có vẻ hơi ghê ghê, nhưng thực tế chợ “si-đa” (chợ đồ si) là tên gọi chỉ những hàng hóa như quần áo, túi xách, giày dép đã qua sử dụng. Theo tâm lý chung, người ta rất ngại xài lại đồ cũ. Thế nhưng, giới bình dân đều hiểu rằng, với “công nghệ” giặt tẩy và cách tân trang của các chủ cửa hàng thì một bộ đồ cũ đã trở thành mới. Do vậy, họ sẽ có cơ hội mua sắm bộ cánh với giá cực rẻ.
Chùa Hang (TP Châu Đốc): Chùa Hang hay còn gọi là Phước Điền Tự cách chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam khoảng 1km, có lịch sử hơn 100 năm tuổi. Với không gian yên tĩnh, tầm nhìn thoáng đãng, chùa Hang được xem là điểm đến du lịch tâm linh không thể bỏ qua của du khách khi đến TP. Châu Đốc trong dịp lễ hội Vía Bà Chúa xứ…
Chùa Tây An (Tây An Cổ Tự - TP Châu Đốc): Chùa Tây An còn được gọi là Chùa Tây An Núi Sam hay Tây An cổ tự, là một ngôi chùa Phật giáo tọa lạc tại ngã ba, dưới chân núi núi Sam (nay thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang). Chùa Tây An tọa lạc trên nền cao, thoáng rộng, trong khuôn viên có diện tích 15.000 m2. Phía sau có núi Sam như bức bình phong nổi bật lên với màu xanh thẫm. Điểm ấn tượng nhất của chùa là mặt chính với ba ngôi cổ lầu nóc tròn hình củ hành, màu sắc sặc sỡ nhưng hài hòa. Chùa cất theo lối chữ “tam”, có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc Việt. Chùa được xây dựng với các vật liệu bền chắc như gạch ngói, xi măng. Nơi cổng tam quan là tượng Quan Âm Thị Kính, bên trong cổng là một sân chùa nhỏ có một cột phướn cao 16 m. Mặt tiền chùa, ở giữa là tháp thờ Phật cao hai tầng. Tầng trên là tượng Phật đứng giữa lầu cao, mái tròn cong, đỉnh nhọn như các tháp xưa ở Ấn Độ. Bốn cột tháp ở tầng dưới có các hộ pháp trấn giữ, phía trước có tượng hai con voi: bạch tượng và hắc tượng. Chính điện là dãy nhà rộng, hai tầng mái, lợp ngói đại ống, cột gỗ căm xe, nền lát gạch bông. Hai bên là lầu chiêng và lầu trống hình tứ giác, trên đỉnh trang trí các tượng tứ linh (long, lân, quy, phụng) rất mỹ thuật. Đại hồng chung ở lầu chuông được tạo vào năm Tự Đức thứ 32 (1879). Trong chính điện có khoảng 150 pho tượng lớn nhỏ: tượng Phật, Bồ tát, La hán, Bát bộ kim cang, Ngọc hoàng, Huỳnh đế, Thần nông... Đa số tượng đều làm bằng danh mộc, chạm trổ công phu và mỹ thuật, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Việt Nam vào thế kỷ XIX. Ngoài ra chùa còn có nhiều hoành phi và câu đối, màu sắc rực rỡ.
Làng bè Châu Đốc (TP Châu Đốc): Đến ngã ba sông Châu Đốc, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những ngôi nhà liên tiếp nhau nổi bồng bềnh trên sông nước. Những ngôi nhà này thực ra là các trại nuôi cá basa và các loài cá khác. Khu vực khúc sông này có đến hàng trăm bè cá như vậy, hình thành nên những làng nổi trù phú, một nét đẹp văn hoá độc đáo, hấp dẫn du khách đến tham quan. Mỗi chiếc bè như một căn hộ, kết nối nhau trải dài dọc hai bên bờ sông Hậu. Nếu lấy thị xã Châu Đốc làm tâm điểm, thì ngược lên đầu nguồn sông Hậu làng bè trải dài hơn 3 cây số, xuôi trở xuống thì làng bè cũng kéo dài hơn 3 cây số. Rẽ về hướng huyện Châu Phú, làng bè trải dài 4 - 5 cây số, sau đó thưa thớt dần, rồi lại quy tụ đông đúc và dày đặc hơn ở huyện Tân Châu với chiều dài 7 - 8 cây số. Bè có đáy sâu khoảng 10 m được bọc bằng lưới kẽm hoặc cây đóng thưa. Bên trên bè, người ta cất nhà để ở. Thay vì tốn hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để có một miếng đất ở khu vực trung tâm thị xã Châu Đốc, người ta lấy số tiền đó đóng bè, neo đậu dưới sông vừa có nhà ở mà không cần tốn tiền mướn hoặc mua bến bãi vừa chẳng lo sơ tán khi mùa nước nổi. Cuộc sống của gia đình được gói gọn trên chiếc bè giống như một chiếc trẹt bề ngang 4 m, dài 7 - 8 m. Do nhu cầu sinh hoạt của dân cư, nhiều dịch vụ phục vụ khác phát sinh trên các bè: cửa hàng sửa chữa máy móc, bán xăng dầu... Vậy là hình thành làng nổi. Xuồng, ghe là phương tiện chủ yếu của mỗi gia đình ở những làng nổi này.
Lăng Thoại Ngọc Hầu (TP Châu Đốc): Lăng Thoại Ngọc Hầu còn gọi là Sơn Lăng, là một công trình kiến trúc nguyên vẹn hiếm hoi tiêu biểu thời nhà Nguyễn còn lại ở đất phương Nam. Đây là một công trình bề thế, tuyệt mỹ, mang ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, kiến trúc cao. Nếu có đến Châu Đốc, bạn đừng quên tìm đến nơi này. Sơn Lăng nằm dưới chân núi Sam, bên cạnh vô vàn các di tích khác, nhưng kỳ lạ thay lại không bao giờ ồn ào náo nhiệt như các lăng miếu khác ở đây mà luôn có một không khí lặng lẽ, trang nghiêm, thành kính. Lăng vừa là lăng mộ, vừa bao gồm đền thờ, thờ Nguyễn Văn Thoại, tức Thoại Ngọc Hầu, một vị quan triều Nguyễn, được triều đình cử vào khai phá và trấn giữ An Giang.
Vườn tượng "Dấu ấn An Giang" (Châu Đốc): Vườn tượng là tập hợp các tác phẩm dự thị điêu khắc đá quốc tế do Châu Đốc đăng cai năm 2003 và 2005, với nhiều tác phẩm độc đáo của các điêu khắc gia đến từ nhiều nước trên thế giới. Lạc vào đây là tha hồ tự sướng.
Làng Chăm Châu Giang (Tân Châu): Qua phà Châu Giang buổi sớm, gió sông mát rượi thổi vào mặt. Xa xa đã thấy những ngôi thánh đường trầm mặc, uy nghi với những ngọn tháp như chiếc bút chọc lên trời. Đã từ lâu, làng Chăm Châu Giang cuốn hút du khách bởi vẻ đẹp độc đáo từ cuộc sống của đồng bào Chăm. Ngược dòng thời gian, vùng đất này đã chứng kiến cuộc “hội ngộ” của người Chăm với vùng đất mới bởi sự xô đẩy của lịch sử. Ông Mouhamach, Giáo cả Thánh đường Mubarak tại ấp Châu Giang, cho biết: “Người Chăm tại Châu Giang không xuất phát cùng một gốc tích. Cộng đồng chúng tôi gồm nhiều tộc người: Malaysia, Indonesia và Campuchia. Tuy nhiên, không ai phân biệt gốc tích, mà luôn chung sống thuận hòa mấy trăm năm nay”. Những năm gần đây, làng Chăm Châu Giang bắt đầu đón khách du lịch. Với nền văn hóa đặc sắc, cộng đồng người Chăm nơi đây có thể thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu, khám phá của khách du lịch. Những ngôi thánh đường lộng lẫy, những chiếc khăn ma-tơ-ra xúng xính, những món ăn truyền thống, những ánh mắt làm say đắm lòng người của gái Chăm luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách. Trong tương lai, với việc phát triển loại hình du lịch văn hóa, đời sống người Chăm ở ngôi làng nhỏ ven sông này sẽ có bước phát triển mới để vùng đất Châu Giang ngày thêm khởi sắc.
Tượng phật hai mặt (chùa Linh Ẩn - huyện An Phú): Tượng phật có chiều ngang lớn nhất 6m, thân tượng cao 18m. Nếu tính từ chân Đài sen đến hết bức tượng thì có tổng chiều cao gần 25m, với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Điều đặc biệt của bức tượng này là có hai mặt, một mặt nhìn về chùa Linh Ẩn Tự. Mặt còn lại nhìn qua nước bạn Campuchia.
Bùng Bình Thiên (cách Châu Đốc 25 km) một hồ nước ngọt mênh mông, trong xanh nằm cặp với sông Bình Di (một nhánh của sông Hậu) thuộc huyện An Phú. Búng rất đẹp vào mùa nước nổi với sắc vàng bông điên điển xen giữa sắc xanh lục bình. Xung quanh búng là ngôi làng Chăm còn vẹn nguyên những giá trị văn hóa xưa.
Di tích quản cơ Trần Văn Thành (Châu Phú): Di tích lịch sử Đền thờ Quản Cơ Trần Văn Thành nằm sâu trong con đường làng bên bờ kinh Xáng Vịnh Tre (Kinh Tri Tôn), thuộc khu vực cánh đồng Láng Linh, ấp Long Châu I (nay ấp Bờ Dâu), xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Di tích còn có tên là Bửu Hương tự, nhân dân thường gọi chùa Láng Linh, chùa Nhà Láng. Di tích là nơi thờ, tưởng nhớ Chánh Quản Cơ Trần Văn Thành, người có công lớn trong việc khai phá vùng Láng Linh và lãnh đạo phong trào kháng chiến chống Pháp trong những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ XIX. Hằng năm, ngoài các ngày lễ khác, quan trọng nhất là lễ giỗ Chánh Quản Cơ Trần Văn Thành, rất đông nhân dân trong khu vực đến thăm viếng. Lễ hội được chính thức tiến hành vào ngày 21 và 22 tháng 2 âm lịch, nhưng bắt đầu từ rằm tháng 2, mỗi ngày đã có hàng ngàn lượt người đến chiêm bái cúng viếng.
Phật giáo Hòa Hảo (Phú Tân): Đạo Hòa Hảo ra đời tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) vào năm 1939 do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập. Tọa lạc trên một khu đất rộng 16.000m2 cặp tỉnh lộ 954, cách bến phà Thuận Giang khoảng 800m. An Hòa tự ( hay còn gọi là chùa Thầy) có kiến trúc theo lối chân phương truyền thống, 4 nóc mái; Chánh điện chính giữa cao, phần trước, sau thấp nhỏ hình chữ cơn, hậu tự một nóc hai mái xuôi nối liền chánh điện, cột gỗ, nền gạch, tường vôi, mái ngói, chiếm diện tích khoảng 300m2, uy nghiêm hướng cửa về phía Nam. Hằng năm những ngày sóc vọng, rằm ngươn, ngày đại lễ 18/5, Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng Đạo Phật Giáo Hòa Hỏa và 25/11 âl đản sinh Đức Huỳnh Giáo Chủ, hàng triệu lượt người từ các nơi về đây dâng hương, chiêm bái vị hoạt Phật lâm phàm, và tỏ lòng kính ngưỡng chùa Thầy, coi đây là trái tim của PGHH...
Nguồn Sưu Tầm Từ Nhiều Website !