Tổng đài hỗ trợ miễn phí 0914 50 86 50
Vietnamese English Đăng nhập Đăng ký

Nức lòng một An Giang mùa nước nổi

Trong những ngày Sài Gòn đỏng đảnh sáng nắng chiều mưa, trưa lất phất màn bụi xe cộ bao trùm lên cả không gian chật chội của thành phố, lòng người thị thành lại thèm lắm cái cảm giác mộng mị để vui vầy cùng thiên nhiên. Ừ! Tháng 9 rồi đấy, mùa nước nổi miền Tây đã về rồi đấy! Cớ sao đôi chân này vẫn còn chùng chình nơi đây để mùa nước nổi An Giang mải miết đợi chờ.

An Giang mùa nước nổi

Nước dâng tràn ngập khắp bơ đê Màu điên điển rực rỡ đường về Chiếc thuyền nhỏ êm đềm lướt nhẹ Đượm câu hò ngọt dịu đê mê.

Chiếc thuyền nhỏ bé giữa mùa nước nổi

An Giang, mảnh đất miền Tây đất nước mà trong sử sách hay gọi là “chiếc lá dâu cuối cùng” ở thời “tằm thực” do vua Chân Lạp đã dâng tặng vào thế kỷ XVIII. An Giang có bốn dân tộc là Kinh, Chăm, Hoa và Kmer sinh sống hòa hợp, tạo nên bản sắc văn hóa đa dạng, đậm nét mà chẳng nơi nào có thể tìm được.

Nếu như vào mùa khô, An Giang là xứ nóng nhất nhì các tỉnh miền Tây thì khi tháng 7, tháng 8 âm lịch về, nơi đây lại chìm trong biển nước, đâu đâu cũng là nước, nước ngập ruộng vườn, nước ngập cả lối đi. Hình ảnh mà khách du lịch An Giang có thể thấy được còn lại chỉ là những ngôi nhà lấp lửng trong màn nước bạc, chỉ còn lại hàng cây thốt nốt và rừng tràm xanh thẳm yên mình, chỉ còn lại cánh bèo trôi dạt khắp nơi như mảnh đời người dân miền sông nước lắm cơ cực.

Cánh đồng lúa xanh mơn mởn trong nắng mai

Rừng tràm được phủ lên màu bèo xanh mơ mộng

Mùa nước nổi An Giang chẳng giống mùa mưa lũ ở những miền quê khác trên nước mình. Nếu như người miền Trung mong lắm cho cơn bão lũ năm nay ít đi, để đất không bị xói mòn, để hoa màu không bị mất trắng thì cứ điểm hẹn lại lên, người dân An Giang và cả miền Tây nói chung lại vui mừng khi cơn lũ to ùa về. Mùa nước nổi, dòng phù sa thượng nguồn lại ồ ạt khỏa lấp cánh đồng An Giang, để mùa vụ năm sau thêm màu mỡ.

Dòng nước mang đầy phù sa

Du lịch An Giang mùa nước nổi, du khách sẽ được du ngoạn khắp mọi nơi bằng thuyền, ghe chứ chẳng đi được đường bộ bởi nước lênh láng tràn về khắp nơi khiến chính người bản địa cũng không biết đâu là đường, chỉ nhắm hướng mà đi.

Phải di chuyển bằng thuyền

Thế rồi hàng thốt nốt ven ruộng đồng giờ trơ trọi một mình nghiêng ngả soi mình dưới dòng nươc phù sa. Những chùm bông điên điển chỉ chợt mùa nước nổi về là lớn nhanh như thổi, khoe sắc giữa mây trời như hút lấy tinh hoa của ánh sáng rực rỡ trên cao.

Hàng thốt nốt nghiêng mình dưới dòng nước

Mùa nước nổi An Giang, là lúc người dân thỏa thuê bắt lấy cá tôm như “tặng phẩm” quý giá. Khắp nơi nơi, người ta giăng vó, quăng chài, tạo nên nhịp sống đặc trưng ở xứ sở này. Đông ruộng mùa khô biến thành chợ cá giữa người và người.

Để rồi họp chợ đơn giản ngay trên dòng nước phù sa

Là lúc đàn vịt cũng chẳng còn ngồi đợi thức ăn trong trại, mà được vẫy vùng giữa biển nước mênh mang để nhanh chóng “đớp” lấy miếng mồi ngon chưa kịp “tẩu thoát”.

Đàn vịt kiếm ăn

Về An Giang mùa nước nổi, du khách sẽ có cơ hội ngắm nhìn cảnh bình minh và hoàng hôn tuyệt đẹp giữa một màu nước bao trùm lên tất cả. Ánh sáng len lỏi trong từng chân mây tạo nên những vệt ánh sáng màu nhiệm, để rồi mặt nước kia như tấm gương khổng lồ phản chiếu lên tất cả. Người cứ ngỡ ngàng chẳng kịp nhận ra đâu là trời, đâu là đất.

Khoảnh khắc ấy, nếu được chọn cho mình một khoảng không gian, phóng tầm nhìn ra xa, ngắm nhìn dòng thời gian chuyển động, thưởng thức hương vị hải sản tươi ngon và nghe câu hò vọng cổ trong tiếng đờn thì còn gì bằng.

Cảnh đẹp An Giang An Giang, mảnh đất trời phú cho đồng ruộng thẳng cánh cò bay, cho hàng thốt nốt mê đắm lòng người, có rừng tràm ngây ngất mắt ai, có sắc màu văn hóa miền Tây đặc biệt vô cùng. Tất cả lại càng huyền diệu hơn vào mùa nước nổi, để bước chân ai cứ muốn xê dịch, đi ngay đến, chẳng ngại ngần. Bạn đã khám phá An Giang mùa nước nổi chưa? Nếu rồi, hãy cùng chia sẻ những kỷ niệm đẹp nhất về An Giang mùa này với Mytour nhé! Còn chưa ư, thế thì chần chờ gì mà không xách balo lên và đi ngay thôi.

Những lưu ý khi du lịch An Giang mùa nước nổi

Di chuyển

Nếu bạn đi xe khách, từ TP HCM chọn các hãng xe uy tín như Phương Trang, Hùng Cường, Nghĩa Huệ... khởi hành từ bến xe miền Tây.

Nếu chạy xe máy, tùy vào lịch trình và thời gian, bạn chọn các cung đường phù hợp. Một số cung đường tham khảo:

TP HCM - QL1A - Tân An - Cầu Mỹ Thuận - Sa Đéc - Lai Vung - Phà Vàm Cống - Long Xuyên - Tri Tôn.

TP HCM - QL1A - QL62 - Thạnh Hóa - Phà Cao Lãnh - Phà An Hòa - Châu Đốc - Tịnh Biên.

Lưu trú

Các khách sạn, nhà nghỉ tập trung nhiều ở hai thành phố Châu Đốc và Long Xuyên, rải rác ở các thị trấn của mỗi huyện. Lịch trình của chuyến đi càng cụ thể thì càng dễ chọn nơi lưu trú, nếu đi đoàn đông thì cần liên hệ trước.

Các điểm tham quan

An Giang là tỉnh có rất nhiều điểm tham quan rải rác ở các huyện, về An Giang mùa nước nổi, bạn không nên bỏ lỡ những điểm đến sau:

Thành phố Long Xuyên có ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chợ nổi Long Xuyên - nơi tập trung hàng trăm xuồng, ghe từ khắp nơi đến để mua bán hàng hóa, nông sản.

Từ thành phố Long Xuyên theo tỉnh lộ 943 đến thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn ngắm cảnh sơn thủy hữu tình.

Thành phố Châu Đốc có Núi Sam (Vĩnh Tế Sơn), từ đỉnh núi có thể nhìn toàn cảnh Châu Đốc và Kênh Vĩnh Tế. Trên và quanh núi Sam có rất nhiều chùa và miếu, trong đó nổi tiếng nhất là Miếu Bà chúa Xứ, Chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Phước Điền...

Chợ Châu Đốc được xem như “vương quốc mắm” với rất nhiều sạp bán mắm và khô đủ loại. Nếu là lần đầu tiên về miền Tây, đừng bỏ qua chợ Châu Đốc với những trải nghiệm thú vị về cuộc sống của người dân vùng nước nổi.

Bùng Bình Thiên (cách Châu Đốc 25 km) một hồ nước ngọt mênh mông, trong xanh nằm cặp với sông Bình Di (một nhánh của sông Hậu) thuộc huyện An Phú. Búng rất đẹp vào mùa nước nổi với sắc vàng bông điên điển xen giữa sắc xanh lục bình. Xung quanh búng là ngôi làng Chăm còn vẹn nguyên những giá trị văn hóa xưa.

Rừng tràm Trà Sư thuộc huyện Tịnh Biên, có diện tích khoảng 850 ha với hệ sinh thái phong phú, là biểu trưng cho vẻ đẹp mùa nước nổi An Giang. Trải nghiệm đi thuyền giữa thảm bèo xanh ngút ngàn, len lỏi trong các ngóc ngách của rừng tràm, nghe tiếng chim chóc đùa giỡn trên tán tràm sẽ rất khó quên. Vé tham quan là 45.000 đồng/ người.

Chợ Tịnh Biên có bán nhiều đặc sản miền Tây mùa nước nổi, một số mặt hàng của Thái Lan, Cam-pu-chia cũng được bày bán. Chợ Tịnh Biên còn mang nét giao lưu văn hóa của người Việt, người Khmer.

Thất Sơn hay còn gọi là Vùng Bảy Núi là 7 ngọn núi tiêu biểu trong 37 ngọn núi ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Núi Cấm có độ cao 705 m, chiếm chu vi 28.600 m, là ngọn núi cao nhất trong Thất Sơn,  có phong cảnh đẹp. Trên núi có: Chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, Cao Đài Tự…

Cánh đồng Tà Pạ (huyện Tri Tôn) như một tấm thảm rộng lớn với những đồng lúa xanh ngắt và những hàng thốt nốt hiên ngang giữa trời xanh. Hồ Tà Pạ - dấu vết còn sót lại của khu vực khai thác đá trên đỉnh đồi mang vẻ đẹp thơ mộng, phẳng lặng như tranh thủy mặc.

Núi Cô Tô, tên Khmer là Phnom Ktô (xã Cô Tô, huyện Tri Tôn) nhìn xa giống như con chim phượng hoàng khổng lồ đang sải cánh giữa đồng bằng mênh mông.

Đặc sản mùa nước nổi

Thiên nhiên vùng đồng bằng sông Cửu Long mang đến những đặc sản độc đáo: Lẩu cá linh bông điên điển, bánh xèo bông điên điển, chuột đồng nướng lu, bún cá Châu Đốc, lẩu mắm, bánh bò thốt nốt, cháo bò Tri Tôn, gỏi sầu đâu... Người Chăm có tung lò mò, cơm nị- cà púa...

Lưu ý

Nên mặc trang phục gọn nhẹ, dễ vận động; mang theo áo mưa, kem chống muỗi, thuốc trị côn trùng, các loại thuốc cần cho khi bị dị ứng thời tiết hoặc đồ ăn lạ.

Nguồn Sưu Tầm - Hình ảnh sưu tầm từ nhiều website

Có thể bạn sẽ thích

Scroll hotline hotline